Thử nghiệm với “rạp hát tại gia” HTS8100 Ambisound SoundBar DVD


Phù hợp và hài hòa với mọi thiết kế nội thất của ngôi nhà bạn khi lắp đặt, không cần hệ thống loa hiệu ứng vòm, hệ thống “Rạp hát tại gia” HTS8100 Ambisound SoundBar DVD HTS8100 có thể là sự lựa chọn xứng đáng cho những người sành nhạc.


Hệ thống HTS8100 Ambisound SoundBar DVD của Philips bao gồm chức năng dò đài (tuner), đầu DVD, loa, tất cả được tích hợp trong một khối đơn nhất.

Sử dụng công nghệ Ambisound nổi tiếng của Philips, hệ thống này điều hướng âm thanh ra phía trước và hai bên để tạo ra một trải nghiệm âm thanh nổi tuyệt vời, mà không bị ảnh hưởng bởi không gian hay kích thước của căn phòng. Giải pháp thiết kế tiên tiến này có nghĩa rằng bên cạnh việc thiết kế một loa subwoofer một cách hợp lý, thì không cần đòi hỏi thêm hệ thống loa vòm, giúp làm giảm đáng kể chiếm dụng không gian căn phòng mà vẫn có được chất lượng tốt khi thưởng thức phim hay nghe nhạc. Hệ thống SoundBar được xem như thiết kế dành riêng cho những không gian gia đình nhỏ hẹp.

SoundBar cũng được thiết kế đặc biệt để tương thích với những mẫu tivi phẳng (FlatTVTM) với công nghệ AmbilightTM, hay hoàn toàn tương thích với bất kỳ dòng tivi phẳng nào khác.

Dòng HTS8100 có cửa đĩa bằng kính bóng bẩy cũng chính là những chất liệu được sử dụng trong thiết kế của tivi. Hệ thống mới này có thể treo trên tường hoặc đặt trên giá đỡ, hoàn toàn phù hợp với mọi kiểu không gian mà không ảnh hưởng đến thiết kế của căn phòng.

Điểm xuất phát của thiết kế hệ thống HTS8100 Ambisound SoundBar DVD home theater là kết quả nghiên cứu của Philips về sự kết hợp giữa quan điểm người dùng với xu hướng của xã hội, đồng thời là do tham quan những triển lãm thiết kế ôtô và nội thất về dự báo xu hướng tương lai. Theo nghiên cứu của Philips, nhiều người dùng không thích lắp đặt 5 hoặc hơn thiết bị với hệ thống dây rợ rắc rối kèm theo; 60% người dùng không động đến một hoặc nhiều hơn những bộ loa đi kèm theo hệ thống rạp hát tại gia của họ; những khách hàng sử dụng hệ thống rạp hát tại gia tiềm năng thường có gu thẩm mỹ về kiểu dáng khi chọn mua sản phẩm.

Hệ thống HTS8100 được chế tạo bởi những chất liệu “đặc chủng” như kính và hợp kim nhôm, tạo cảm giác thiết kế đơn giản nhưng sang trọng. Bộ khung cũng như các phím điều khiển được mạ nhôm, mang lại cảm giác sang trọng khi ấn phím. Cửa DVD và nắp trên của subwoofer được làm từ kính nguyên tấm. Thay vì thiết kế ẩn đi, subwoofer lại có một thiết kế tinh tế, hài hòa với nội thất hiện đại của gia đình cả về tính năng cũng như thẩm mỹ.

Hệ thống “Rạp hát tại gia” HTS8100 Ambisound SoundBar DVD có giá dự kiến khoảng 15,990,000 VND (bao gồm VAT). Sản phẩm sẽ có mặt tại các cửa hàng điện tử, điện máy, các siêu thị... trên toàn quốc từ đầu năm 2008.

->Xem chi tiết...

Đằng sau công nghệ High-K Metal Gate Phần II

Vật liệu cách điện High-k

Vấn đề cần giải quyết ở đây là phải tìm được vật liệu cách điện với độ dày vừa đủ để ngăn cản điện tử đi qua nhưng cũng phải cho phép điện trường từ cổng truyền đến kênh để có thể mở transistor. Tóm lại, lớp cách điện này cần dày về vật lý nhưng phải mỏng về điện.


Phần mở rộng

Thuật ngữ kỹ thuật dùng cho những vật liệu có tính chất như vậy là chất điện môi “high-k” (High-k dielectric), trong đó k là hằng số điện môi. Thuật ngữ này chỉ ra khả năng tập trung điện trường của vật liệu. Hằng số k càng cao, vật liệu có khả năng duy trì được dung lượng điện tích càng lớn giữa hai tấm dẫn điện. Để minh họa, SiO2 có hệ số k khoảng 4, trong khi không khí có k bằng 1.


Hình 2. Cấu tạo và hoạt động của transistor. Điện áp dương đặt vào cực cổng của transistor loại NMOS đẩy các điện tích dương trong kênh ra xa khỏi lớp cách điện và hút về phía mình các điện tử, tạo ra dòng điện.

Các ứng viên cho chất liệu “high-k” bao gồm aluminum oxide (Al2O3), titanium dioxide (TiO2), tantalum pentoxide (Ta2O5), hafnium dioxide (HfO2), hafnium silicate (HfSiO4), zirconium oxide (ZrO2), zirconium silicate (ZrSiO4), và lanthanum oxide (La2O3). Thông qua hàng loạt các nghiên cứu, thử nghiệm, nhóm kỹ sư Intel đã cố gắng xác định các chỉ số của vật liệu như hệ số dung môi, độ ổn định về điện, khả năng tương thích với Silicon... Rất nhiều khó khăn, trở ngại mà nhóm đã phải vượt qua, kể cả việc phải nghiên cứu để đưa ra một quy trình công nghệ sản xuất mới gọi là “atomic layer deposition”.


Kết quả thu được cho thấy hai chất điện môi hafnium dioxide (HfO2) và zirconium oxide (ZrO2) có thể đáp ứng yêu cầu đặt ra cho chất cách điện mới.

Bắt đầu chuyển sang giai đoạn thử nghiệm với vật liệu mới – high-k dielectric, nhóm nghiên cứu tiến hành sản xuất mẫu transistor NMOS va PMOS. Tuy nhiên, sau một loạt kết quả ban đầu không đạt yêu cầu, một vấn đề mới lại nảy sinh: đó là tương tác giữa cực cổng (gate) và lớp cách điện high-k mới. Ở các transistor hiện tại, điện cực này thường được tạo ra từ silicon đa tinh thể (polysilicon), và nó làm việc rất tốt với lớp cách điện silicon dioxide. Khi thay silicon dioxide bằng vật liệu high-k dielectric thì “mối quan hệ” này bị phá vỡ, tác động xấu đến hoạt động của transistor (hình 3).



Hình 3. Với transistor hiện tại, cực cổng (gate) thường được làm bằng polysilicon, và nó làm việc rất tốt với lớp cách điện silicon dioxide. Khi thay silicon dioxide bằng vật liệu high-k dielectric thì “mối quan hệ” này bị phá vỡ, tác động xấu đến hoạt động của transistor. Giải pháp cho vấn đề này là sử dụng kim loại thay cho polysilicon.


Cổng kim loại và những thách thức

Giải quyết được vấn đề về lớp cách điện lại dẫn đến bài toán phải tìm ra vật liệu thay thế polysilicon để làm điện cực, sao cho nó đảm bảo được các đặc tính để có thể tương tác tốt với lớp cách điện high-k mới.

Giải pháp cho vấn đề này là sử dụng kim loại thay cho polysilicon. Tuy nhiên, để xác định đúng loại kim loại có đủ các đặc tính cần thiết, nhóm nghiên cứu đã trải qua rất nhiều nghiên cứu, thử nghiệm... và cuối cùng cũng đi đến kết quả mong muốn. Transistor được cấu tạo từ oxide hafnium và cực cổng kim loại, có đủ những gì nhóm thử nghiệm cần: mở khi có điện áp xác định, độ rò rỉ qua lớp cách điện rất thấp, cho phép dòng điện lớn đi qua kênh ở điện áp xác định.

Với những vấn đề mà nhóm nghiên cứu Intel đang gặp và giải quyết thì nhiều nhà sản xuất chip khác cũng đã và đang triển khai nghiên cứu trong cuộc chạy đua hết sức cạnh tranh. Bởi vậy cho đến thời điểm đó, hai điều bí mật lớn nhất là các vật liệu kim loại cho cổng và làm thế nào để đưa chúng vào quá trình sản xuất transistor.

Sau khi đã có được transistor mới với các đặc tính đúng theo yêu cầu được sản xuất theo quy trình công nghệ cũ (quy trình 65nm) vào năm 2003, công việc tiếp theo của nhóm nghiên cứu là chuyển từ giai đoạn nghiên cứu sang giai đoạn phát triển và sản xuất transistor high-k metal gate với kích thước nhỏ hơn, 45nm, và các transistor mới 45nm này phải đáp ứng những đòi hỏi rất khắt khe về hiệu năng, độ tin cậy. Đây là công việc không dễ dàng một chút nào, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các nhà nghiên cứu, kỹ sư Intel để vượt qua hết trở ngại này đến thử thách khác.

Như trên đã đề cập, một trong hai điều bí mật lớn nhất là làm sao để đặt được các điện cực kim loại (metal gate) vào transistor. Giải pháp truyền thống lâu nay được gọi là “gate first”, trong khi có một giải pháp khác được nhóm nghiên cứu đề xuất là “gate last” có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng lại khó thực hiện hơn. Việc chọn lựa giữa 2 giải pháp là một bài toán hắc búa mà nhóm nghiên cứu phải trả lời.


Hình 4. Tiến trình nghiên cứu và triển khai công nghệ 45nm high-k metal gate.


Thay đổi có tính cách mạng

Vào cuối năm 2004, nhóm nghiên cứu đã có các thông tin, số liệu đủ thuyết phục là transistor mới có thể được sản xuất và hoạt động tốt với quy trình công nghệ 45nm mà nhóm đã nghiên cứu. Và đến thời điểm này, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Intel cam kết sẽ sản xuất transistor có cấu trúc điện cực kim loại và lớp cách điện high-k theo quy trình mới “gate last”.

Đây là một quyết định dũng cảm, là sự cam kết cho các bộ vi xử lý thế hệ tiếp theo của Intel, và cũng là sự thay đổi lớn nhất về công nghệ transistor trong 40 năm qua.

Mốc quan trọng tiếp theo là thử nghiệm và kiểm tra transistor được sản xuất theo quy trình mới. Thông thường, việc kiểm tra được thực hiện trên SRAM (RAM tĩnh), là loại bộ nhớ nằm ngay trên chip cùng với bộ xử lý. Lần thử nghiệm thứ nhất đầy đủ toàn bộ tính năng của SRAM với transistor mới được thực hiện vào tháng 1/2006, và cho đến tháng 1/2007 thì Intel đưa ra phiên bản mẫu của BXL 45nm đầu tiên sử dụng công nghệ đột phá transistor high-k plus metal gate. Đó là BXL hai lõi Penryn với 410 triệu transistor. Các phiên bản khác của Penryn sẽ được tối ưu cho các ứng dụng máy xách tay, máy để bàn, trạm làm việc và server. Bản bốn nhân sẽ chứa tới 820 triệu transistor. Sau Penryn vài tháng, Intel cũng sẽ đưa ra Silverthorne, bộ xử lý đơn lõi chứa 47 triệu transistor dành cho các ứng dụng tiêu thụ ít năng lượng như các thiết bị Internet di động và UMD (thiết bị siêu di động).

Phát kiến transistor high-k plus metal gate là một đột phá cực kỳ quan trọng. Mặc dù vẫn có thể tiếp tục giảm kích thước của transistor tới 45nm theo công nghệ cũ, không cần đến sự đột phá này, nhưng các chip này sẽ hoạt động không khá hơn bao nhiêu so với thế hệ 65nm và chúng sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng. Chắc chắn transistor thế hệ mới này sẽ tiếp tục được thu nhỏ trong thời gian tới, thực tế là việc phát triển transistor thế hệ 32nm đang được triển khai tốt đẹp với công nghệ high-k plus metal gate cải tiến.

Liệu có cần tới vật liệu, kiến trúc mới nữa cho các thế hệ transistor 22nm, 16nm? Chưa ai dám chắc, nhưng đó là lí do để việc nghiên cứu và phát triển tồn tại.


->Xem chi tiết...

Đằng sau công nghệ High-K Metal Gate phần 1

Trong TGVT-PCW VN tháng trước, chúng tôi đã đề cập tới bộ vi xử lý thế hệ mới của Intel được sản xuất theo qui trình công nghệ 45nm High-k metal gate (bài “Định luật Moore tiếp tục...”. Đây không chỉ đơn giản là bước phát triển của xu hướng “thu nhỏ” các thành phần trong vi mạch bán dẫn. Đằng sau đó là những giải pháp công nghệ đột phá.

Trong tháng 11 này, Intel tung ra thị trường thế hệ chip mới đầu tiên được sản xuất theo quy trình công nghệ 45nm – chip Penryn, chứa hơn 400 triệu transistor đối với BXL hai lõi và tới 800 triệu transistor với BXL 4 lõi. Có điều gì khác biệt so với những cơ sở của định luật Moore?


Các tác giả Mark T. Bohr, Robert S. Chau, Tahir Ghani, and Kaizad Mistry – những người tham gia trực tiếp vào quá trình nghiên cứu – triển khai công nghệ 45nm high-k metal gate.

Có! Và hơn nữa là khác biệt rất lớn. Chip Penryn đã có thể không xuất hiện nếu như không có bước đột phá cực kỳ quan trọng về cấu trúc của các transistor siêu nhỏ bên trong chip, mà cụ thể là chúng ta đề cập đến thành phần điện cực của transistor (gate stack). Vấn đề trở ngại phải vượt qua trong vài năm trở lại đây là công nghệ đã đạt tới mức giới hạn nguyên tử.

Để giữ đúng định luật Moore, cứ sau mỗi 24 tháng kích thước transistor phải được giảm xuống một nửa, và tương đương như vậy, các thành phần nhỏ nhất của transistor phải giảm còn 70%. Tuy nhiên, có một thành phần quan trọng mà kích thước của nó đã đạt tới mức giới hạn, không thể nhỏ hơn được nữa. Đó là lớp silicon dioxide (SiO2) mỏng đóng vai trò cách điện giữa cực cổng (gate) và kênh (channel), nơi dòng điện chạy qua khi transistor ở trạng thái “mở” (hình 1). Lớp cách điện này mỏng dần với mỗi thế hệ chip mới, và đã giảm tới 10 lần kể từ năm 1990. Ở hai thế hệ chip trước Penryn, lớp cách điện chỉ còn lại độ dày của khoảng 5 nguyên tử (đường kính nguyên tử đơn Silicon là 0,26nm).

Các giáo sư nghiên cuu
Lớp cách điện silicon dioxide mỏng là một vấn đề lớn, nó mất dần khả năng cách điện. Bắt đầu từ những thế hệ chip từ 1990, đã có hiện tượng rò rỉ điện qua lớp cách điện này. Cho đến cách đây 2 năm, cường độ rò rỉ đã tăng lên 100 lần. Cuối cùng, dẫn đến vấn đề năng lượng bị tiêu hao do chip nóng lên dưới tác động của dòng điện tử không mong muốn. Như vậy việc làm mỏng hơn nữa lớp silicon dioxide là không thể.

Với rào cản tưởng chừng không thể vượt qua này, ngành công nghiệp bán dẫn dường như đang đi đến chỗ bế tắc, và định luật Moore cũng phải kết thúc tại đây...

Điều đáng sợ trên sẽ trở thành mối đe dọa thật sự nếu như không có một phát kiến mang tính cách mạng.

Giải pháp cho vấn đề trên là làm dày thêm lớp cách điện, nhưng phải bằng chất liệu khác có đặc tính cách điện tốt hơn. Tuy nhiên đây chỉ là một nửa của vấn đề, bởi rắc rối còn ở chỗ cổng silicon (điện cực) sẽ không chịu làm việc với vật liệu cách điện mới. Và nếu giữ thiết kế như vậy, transistor theo cách mới làm việc còn tệ hơn transistor cũ. Câu trả lời cho vấn đề này là sử dụng kim loại thay thế cho silicon truyền thống để làm cực cổng (gate).

Kiến thúc nền tảng về transistor





Hình 1. Trong transistor, lớp cách điện silicon dioxide (SiO2) giữa cực cổng (gate) và kênh (chanel) đã mỏng tới mức giới hạn, gây ra hiện tượng “rò rỉ” điện tích.


Cấu tạo của bộ vi xử lý, bộ nhớ và các loại chip khác đều dựa trên hàng trăm, hàng triệu transistor, thành phần bán dẫn cơ bản. Loại transistor được dùng ở đây là transistor hiệu ứng trường MOSFET (metal-oxide-semiconductor field effect transistor). Thực chất, transistor đóng vai trò của một công tắc: điện thế đặt vào cực cổng (gate) có tác dụng bật và tắt (cho qua và ngăn lại) dòng điện tích giữa hai cực khác: cực nguồn (source) và cực máng (drain); kênh (channel) là nơi dòng điện tích di chuyển (hình 2). MOSFET có hai loại, N-MOS và P-MOS, tùy thuộc vào cấu tạo hóa học của các thành phần (loại N hay P). Các transistor được bố trí trên một tấm silicon đơn, và bằng phương pháp hóa học người ta tạo ra các vùng loại N hoặc P ngay trên tấm silicon. Mạch tích hợp (IC – integrated circuit) bao gồm luôn cả hai loại transistor N và P.

Lấy ví dụ transistor NMOS. Vùng nguồn và máng được cấu tạo từ N-silicon, giữa chúng là P-silicon được gọi là kênh, nơi có dòng điện tích. Phần trên của kênh có một lớp mỏng cách điện dioxide silicon (SiO2), được gọi là cổng oxide (gate oxide), và đây chính là phần gây ra mọi phiền toái mà cả ngành công nghiệp phải quan tâm.

Bên trên cổng oxide là điện cực, thường được cấu tạo từ silicon đa tinh thể (polycrystal silicon, hay ngắn gọn là polysilicon). Trong trường hợp NMOS thì điện cực cũng thuộc loại N. Khi có điện áp dương tại cực cổng, nó tạo ra điện trường đẩy các điện tích dương (hole) đi và hút các điện tử để tạo ra dòng điện (on) giữa nguồn và máng.

Với PMOS transistor, mọi thứ đều ngược lại với NMOS. Nguồn và máng là P, kênh là N, và cực cổng là P. Nó làm việc cũng theo cách đối lại, tức là khi có điện áp âm đặt vào cổng, nó sẽ ngăn (off) dòng điện trong kênh, nguồn và máng.

Trong các thiết bị logic, transistor NMOS và PMOS được bố trí sao cho hoạt động của chúng bổ sung lẫn nhau, từ đó xuất hiện thuật ngữ CMOS (complementary metal-oxide semiconductor). Phải thiết kế mạch CMOS sao cho chúng chỉ tiêu thụ năng lượng khi các transistor thực hiện đóng (on) hoặc mở (off).

Các đặc tính và vật liệu cấu thành của transistor MOS hầu như giữ nguyên từ 1960, nhưng kích thước của chúng thì nhỏ đi đáng kinh ngạc, từ 10 micrometer xuống còn dưới 50 nanometer hiện nay, tức là giảm hơn 200 lần. Lớp cách điện SiO2 giảm từ 100nm xuống còn 1,2nm, đạt giới hạn 5 nguyên tử, và độ dày này đã không thay đổi kể từ năm 2003 - khi thế hệ chip 90nm được giới thiệu - cho đến nay.

->Xem chi tiết...

Thật vậy không?


Nhiều người thông thạo máy tính lại tin vào những điều không thật. Hãy cùng xem xét 12 điều đồn đại phổ biến về máy tính, hy vọng bạn sẽ có thêm đôi chút kinh nghiệm khi nghe những điều đồn đại sau này.

ĐIỀU 1 Nên phân vùng ổ đĩa cứng lớn hay dồn đĩa thường xuyên để đạt hiệu suất tốt nhất.

Đây là ý kiến có thể dẫn đến xung đột thật sự giữa các chuyên gia máy tính. Theo chuyên gia về công nghệ lưu trữ của Infoworld.com, việc dồn ổ đĩa cứng lớn giúp cải thiện hiệu suất trên máy tính chạy Windows, nhưng mức độ cải thiện phụ thuộc vào số lượng file bạn thay đổi hay xóa mỗi ngày.

Theo chuyên gia này, hệ điều hành Windows có một thói quen không được thông minh lắm đó là cố tận dụng từng đơn vị (cluster) lưu trữ trống, ngay cả khi nó nằm giữa vùng dữ liệu lớn trong khi còn nhiều vùng trống ở cuối ổ đĩa, do vậy các file tạo mới dễ bị phân rải rác nhiều nơi vì vậy cần thực hiện nhiều thao tác tìm kiếm để nối từng phần của file lại với nhau.

Tuy nhiên theo thử nghiệm của PC World, dùng các tiện ích dồn đĩa cũng không đem lại cải thiện hiệu suất đáng kể. Executive Software, công ty phát triển tiện ích dồn đĩa Diskeeper, cho rằng giải pháp này có thể cải thiện hiệu suất nếu có ít nhất 20% đĩa cứng trống. Tóm lại: kết quả đạt được có thể khác nhau.

Việc phân vùng đĩa cứng thành 2 hay 3 ổ luận lý không chắc giúp tăng tốc độ cho hệ thống của bạn, nhưng nó đem lại nhiều lợi ích khác. Chẳng hạn, nó cho phép bạn tạo hệ thống khởi động kép hay lưu riêng các file ít thay đổi (như các file hệ thống và chương trình) với các file thường thay đổi (như tài liệu và dữ liệu đệm khi duyệt web), nhờ vậy làm giảm việc phân mảnh và giúp việc sao lưu hệ thống dễ dàng hơn hay cho phép thay thế HĐH mà không đụng đến dữ liệu.

ĐIỀU 2 MPAA và RIAA có thể giám sát mạng ngang hàng.

Điều này nghe có vẻ rất hợp lý. “Nếu tải về phim, chương trình truyền hình, nhạc hay video game dùng mạng ngang hàng, các file mà bạn tải về có thể bị lần theo qua địa chỉ IP của bạn”, theo người phát ngôn của Motion Pictures Association of America (MPAA).

Nhưng BayTSP, công ty chuyên theo dõi các mạng ngang hàng chia sẻ file như BitTorrent và eDonkey, hơi mập mờ trong tuyên bố của mình. Khi thực hiện giám sát các mạng trên cho các khách hàng khác nhau, BayTSP có thể ghi nhận địa chỉ IP của người trao đổi file, ngày và giờ tải về, tên file và thông tin về nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) của cá nhân đó, nhưng chỉ với các trường hợp tải file lớn.

Theo người phát ngôn của BayTSP, nếu file đủ lớn – như một bộ phim hay phần mềm ứng dụng (chứ không phải chỉ là bản nhạc) – thì nhiều khả năng BayTSP sẽ nhận diện được cá nhân trước khi họ tải hoàn tất toàn bộ file. Tuy vậy, công ty này “chưa bao giờ tuyên bố giám sát mọi người”.

Việc liên hệ một địa chỉ IP với một tên thực hay địa chỉ vật lý cũng không chắc được. Thông thường, ngành công nghiệp ghi âm và phim ảnh phải nhờ đến các ISP để nhận diện người dùng dựa trên địa chỉ IP – nhưng không phải tất cả đều được thỏa mãn.

Những người sở hữu bản quyền còn phải đối mặt với những thách thức khác. Chuyên gia kỹ thuật của Electronic Frontier Foundation cho rằng việc dùng các mạng IP vô danh, proxy ẩn danh (các website hay server cho phép người ta dấu địa chỉ IP trong khi duyệt web), hay kết nối Wi-Fi có thể làm cho việc lần theo dấu vết một người nào đó khó khăn hơn. Tuy vậy, các ISP vẫn có thể giám sát người dùng có địa chỉ IP nhất định tại thời điểm cụ thể nào đó, và nếu được yêu cầu họ có thể ghi nhận thông tin vi phạm bản quyền và người tải về có thể bị tóm.

ĐIỀU 3 Máy in sẽ không được bảo hành nếu dùng mực của hãng khác.

Điều này được đồn đại rất nhiều, với bất kỳ loại mực nào. Theo các hãng lớn sản xuất máy in (và mực in) như Canon, Epson và Lexmark thì việc dùng ống mực của hãng khác hay mực nạp không tự động huỷ bảo hành phần cứng. Trừ khi chính mực in gây ra sự cố cho máy in.

ĐIỀU 4 Dùng thẻ nhớ tốc độ cao máy ảnh số sẽ chụp ảnh nhanh hơn.

Dùng thẻ nhớ tốc độ cao cho phép máy ảnh của bạn lưu file nhanh hơn, nhưng không hẳn bạn có thể chụp ảnh nhanh hơn. Khi bạn chụp một tấm ảnh, máy ảnh phải thu nhận và xử lý hình ảnh, sau đó mới lưu vào thẻ nhớ; thẻ nhớ nhanh hơn chỉ cải thiện phần cuối của quá trình – phần lưu file vào thẻ.

Nếu dùng một máy ảnh nhanh với thẻ nhớ chậm, bạn có thể để ý thấy độ chậm ở phần thẻ nhớ. Nhưng dùng một thẻ nhớ nhanh với máy ảnh chậm thì giống như đặt bánh xe đua vào chiếc xe thường. “Sự khác biệt có thể đáng kể với các máy ảnh SLR nhưng sẽ không đáng kể trong nhiều máy ảnh loại ngắm-chụp”, theo đại diện của nhà sản xuất thẻ nhớ SanDisk.

ĐIỀU 5 Đừng xem một kênh quá lâu vì sẽ làm “cháy” màn hình TV plasma.

Việc cháy màn hình plasma không phải điều đơm đặt, nhưng nói chung không cần phải lo. Theo site CrutchfieldAdvisor.com chuyên đánh giá về âm thanh và video, các màn hình plasma và CRT có thể bị cháy khi “hình ảnh tĩnh như video game, bảng giá chứng khoán hay biểu tượng nhà đài đứng yên trên màn hình một thời gian dài. Qua thời gian, các hình này có thể khắc vào màn phospho, để lại dấu mờ vĩnh viễn trên màn hình”. Chuyên gia của Crutchfield cho rằng việc này hiếm khi xảy ra vì hình ảnh trên TV được thay đổi hay “làm tươi” trong các chương trình và khi bạn thay đổi kênh.

Tuy nhiên đây có thể là vấn đề cho các game thủ chơi cùng một nhân vật hàng giờ liền, theo một chuyên gia của Best Buy.

Các model màn hình plasma mới đã có những cải tiến đáng kể và ít bị cháy.

ĐIỀU 6 Google tìm thấy mọi thứ và một khi nó có thông tin của bạn thì không cách gì gỡ bỏ.

Có vẻ như cánh tay vô hình của Google chạm đến mọi ngóc ngách, nhưng không hẳn vậy. Google sẽ tìm thấy thông tin trên web chỉ khi có một site nào đó “chỉ” (liên kết) đến trang có chứa nó, theo chủ biên của website Search Engine Land.

Nếu bạn không muốn thông tin được tìm thấy thì đừng đặt nó trên web, hay bảo vệ nó bằng mật khẩu (Google không tìm kiếm với mật khẩu).

Bạn có thể ngăn công cụ tìm kiếm của Google lập chỉ mục website của mình hay buộc nó gỡ bỏ các trang mà nó đã tìm thấy bằng cách làm theo những hướng dẫn tại Google Webmaster Central (find.pcworld.com/57401). Tuy nhiên, nếu website của bạn đã được “quét” thì các trang thông tin sẽ không xoá khỏi kho dữ liệu lưu tạm của Google ngay lập tức.

Vấn đề khó khăn hơn là làm cách nào gỡ bỏ thông tin cá nhân khỏi Google nếu nó lưu trên một site không thuộc quyền kiểm soát của bạn. Bạn có thể thử yêu cầu chủ site gỡ bỏ trang thông tin đó hay ngăn Google “quét” nó. Nếu người chủ từ chối, và site đó chứa thông tin nhạy cảm như số chứng minh thư của bạn hay tài liệu có bản quyền thuộc về bạn, bạn có thể yêu cầu Google xóa nó khỏi chỉ mục. Còn không, bạn có thể nhờ đến các dịch vụ như Reputation-Defender.com để xoá trang thông tin với phí 30USD, tuy nhiên kết quả không được bảo đảm.

ĐIỀU 7 Nhập địa chỉ URL, bạn sẽ an toàn với phishing.

Cách chắc chắn nhất để thông tin cá nhân của bạn bị sử dụng bất hợp pháp là nhấn lên một liên kết trong email giả mạo (phishing) và ngây thơ cung cấp thông tin theo yêu cầu. Nhưng việc gõ địa chỉ www.nganhangcuaban.com vào trình duyệt cũng không đảm bảo tránh được những kẻ lừa đảo.

Bạn còn phải đối mặt với ít nhất 2 mối nguy hiểm rình rập. Thứ nhất là kiểu tấn công “pharming” hay “thao túng tên miền”, can thiệp URL hợp pháp trên đường truyền và chuyển hướng đến site giả mạo. Đã có một số cuộc tấn công pharming nhắm vào các máy chủ tên miền (có một cuộc hồi tháng 2 nhằm vào các site của ít nhất 50 tổ chức tài chính). Cách phòng vệ duy nhất chống lại pharming là truy cập trực tiếp URL của trang đăng nhập có bảo mật (bắt đầu với https:, thường được các site ngân hàng sử dụng).

Thứ hai, một số malware có thể đạt được hiệu ứng như pharming bằng cách viết lại file Hosts hay chiếm quyền điều khiển trình duyệt trên máy tính của bạn. Tuy nhiên, nếu hệ thống của bạn được vá kịp thời, firewall của bạn có hoạt động và các trình chống spyware và virus được cập nhật, bạn sẽ giảm được rủi ro. Các chương trình như Spybot Search & Destroy miễn phí (find.pcworld.com/5739) và WinPatrol (find.pcworld.com/57400) cũng có thể giúp bảo vệ file Hosts của bạn.

ĐIỀU 8 Truy cập băng rộng 3G ‘không giới hạn’

Khi ISP quảng cáo gói dịch vụ dữ liệu tốc độ cao không giới hạn, thì hiếm khi băng thông được “thoải mái”.

Ví dụ gói dịch vụ băng rộng “không giới hạn” gần đây của Verizon Wireless. Mặc dù các thuê bao EVDO có thể duyệt web, gửi và nhận email nhưng Verizon không cho phép tải file, sử dụng webcam hay dùng các dịch vụ VoIP. Công ty này còn lẳng lặng áp mức ngưỡng 5GB cho mỗi tài khoản, nếu phát hiện một thuê bao gửi hay nhận hơn dung lượng tối đa qui định hàng tháng thì sẽ “đóng” tài khoản. Sau nhiều tháng từ chối, công ty này đã lặng lẽ bổ sung thông tin về mức ngưỡng trên vào thỏa thuận dịch vụ và ngưng quảng cáo gói dịch vụ băng rộng là “không giới hạn”.

Các gói EVDO không giới hạn của Sprint không đặt hạn chế cụ thể nào trên lưu lượng dữ liệu hay hình thức sử dụng. Nhưng Sprint “có quyền giới hạn hay tạm ngừng bất kỳ việc sử dụng dữ liệu nào liên tục và quá lớn gây ảnh hưởng bất lợi đến hiệu suất làm việc của mạng hay cản trở việc truy cập mạng”. Chưa nghe có ai phàn nàn bị Sprint “cắt” mạng.

ĐIỀU 9 Bạn được bảo vệ khi mua hàng trên eBay.

Site đấu giá lớn nhất thế giới và bộ phận PayPal của nó cung cấp cho người dùng nhiều công cụ chống lại những tay bịp và chống lại sự cả tin của chính mình. Nhưng việc bảo vệ này không đảm bảo 100%.

Khi dùng PayPal để mua một món hàng trên eBay.com, người mua tự động có 200USD bảo đảm cho giao dịch, theo người phát ngôn của eBay. Nếu người bán có chứng nhận PayPal, người mua được bảo đảm đến 2000USD.

Nhưng nếu bạn trả tiền bằng hình thức khác, tất cả đảm bảo đều không còn. Các hình thức bảo vệ của site này cũng không áp dụng cho các món hàng phi vật chất, như các tập tin hay phần mềm. Và nếu hiểu nhầm mô tả món hàng thì bạn đành chịu rủi.

Ví dụ, Greg nghĩ mình mua hời được bộ Xbox với giá 300USD. Nếu nhận phải Xbox bị nứt, Greg sẽ được đền. Nhưng cái mà anh mua được lại là một tập tin Word liệt kê các điểm bán Xbox giảm giá. Vì món hàng là dạng phi vật chất và được miêu tả chính xác (tuy mục đấu giá hiển thị ảnh Xbox gây hiểu lầm) nên việc bảo vệ của PayPal không áp dụng.

ĐIỀU 10 Máy Mac miễn nhiễm malware.

Gần đây, những người hết lòng tin vào sự an toàn của máy Mac nhận thấy niềm tin của mình bị lung lay nghiêm trọng, khi chuyên gia bảo mật Dino Dai Zovi rinh về nhà giải thưởng 10.000USD cho việc chiếm quyền điều khiển một máy tính MacBook Pro chạy HĐH Mac OS 10.4. Dai Zovi mất chưa đến 10 tiếng để phát hiện lỗ hổng trong phần mềm Apple QuickTime và lập một trang web khai thác nó. (Các phiên bản QuickTime chạy trên Windows cũng có lỗ hổng). Trong một cuộc phỏng vấn sau đó với Computerworld, Dai Zovi tuyên bố HĐH Mac kém an toàn hơn Windows Vista (hẳn Bill Gates hài lòng còn Steve Jobs thì tím ruột).

Điều này không có nghĩa chỉ có một kẽ hở làm khổ các máy tính Macintosh. Hồi tháng giêng, chuyên gia bảo mật Kevin Finisterre và một hacker có bí danh là LMH đã hoàn thành dự án Month of Apple Bugs (tháng lỗi Apple), đưa ra một điểm yếu bảo mật ảnh hưởng đến nhiều mặt của máy Mac. Trong tháng 2, sâu Mac OS 10 đầu tiên đã được nhận diện. Dù các chuyên gia cho rằng nó tương đối vô hại, nhưng sâu OSX/Leap-A đã phát tán thông qua ứng dụng iChat của Apple bằng cách tự gửi chuyển tiếp theo danh sách bạn hữu của người dùng.

Nhưng nói chung, người dùng Mac có vẻ như ít gặp virus hay lỗ hổng hơn người dùng Windows, chỉ bởi vì malware Windows có số lượng lớn hơn rất nhiều.

ĐIỀU 11 Bạn sẽ biết ngay khi có ai đó chiếm quyền điều khiển máy tính của mình và biến nó thành zombie.

Không hẳn vậy, theo chuyên gia của MyNetWatch-man.com, công ty chuyên theo dõi các mạng bot. Ví dụ, nếu hacker biến máy tính của bạn thành trạm phát tán spam, khay hệ thống có thể cảnh báo máy tính của bạn đang gửi đi hàng trăm email - nhưng chỉ khi máy có cài phần mềm bảo mật quét kiểm tra email gửi đi. Malware thường vô hiệu phần mềm chống virus, firewall hay dịch vụ Windows Update để nó có thể hoạt động tự do trên máy tính của bạn.

Thực tế, nhiều người dùng không hề biết gì cho đến khi ISP thông báo phát hiện trạm phát tán (bot) từ địa chỉ IP của họ, hay địa chỉ email của họ bắt đầu bị từ chối do bị liệt vào danh sách spam.

Vậy làm sao phát hiện khi máy tính bị thôn tính? Nếu máy tính đột nhiên trở nên chậm chạp hay mất nhiều thời gian để khởi động hay shutdown, nó có thể đã bị lây nhiễm (nhưng cũng có thể những hiện tượng này do nhiều nguyên nhân khác không liên quan đến malware). Trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân là do người dùng đã cho phép phần mềm xấu (như các file tải về từ mạng ngang hàng) thực thi trên hệ thống của họ. “Người dùng hoặc là phải tinh tường hoặc là phải tránh xa net”.

ĐIỀU 12 Máy in phun dùng ống mực màu tích hợp sử dụng tốn kém hơn máy in dùng các ống mực riêng.

Đây là một trong số ít điều đồn đại có vẻ chí lý. “Với ống mực màu tích hợp, mực vàng có thể hết và bạn sẽ cần thay luôn các ống mực còn lại nếu muốn in với màu vàng”, theo người đại diện của Epson. Các ống mực rời sử dụng được tối đa hóa và giảm chi phí cho người dùng. Điều này cũng được Hard Copy Supplies Journal đồng ý.

Nếu máy in của bạn dùng các ống mực rời, cũng nên biết cách sử dụng tối đa từng ống mực, xem hướng dẫn tại find.pcworld.com/57405.

->Xem chi tiết...
Google